Xác định việc “hút” các dòng vốn đầu tư là một trong những nguồn lực quan trọng để kinh tế Hà Tĩnh “cất cánh”, tỉnh luôn chú trọng các hoạt động thu hút, quảng bá đầu tư. Liên tục trong nhiều năm qua, hàng loạt sự kiện xúc tiến đầu tư có quy mô do tỉnh chủ trì đã được tổ chức thành công khắp các quốc gia từ châu Á đến châu Âu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, CHLB Đức… Ở những sự kiện này, tỉnh chủ động gặp gỡ, kết nối với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp (DN)…, qua đó, cung cấp thông tin, đề xuất hợp tác, đồng thời lắng nghe, giải đáp các vướng mắc của đối tác về cơ hội, lợi thế khi đến Hà Tĩnh đầu tư.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa HĐND tỉnh Hà Tĩnh và Công ty TNHH Danvit Expres (CH Séc) về nhà máy điện gió 200 triệu USD(tháng 4/2019).
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế – bang Mecklengburg – Vorpommern (CHLB Đức) Harry Glawe ký kết ý định thư hợp tác giữa Bộ Kinh tế, Lao động và Y tế bang Mecklengburg – Vorpommern với UBND tỉnh Hà Tĩnh (tháng 10/2019).
Khách sạn 5 sao Vinpearl Hotel Hà Tĩnh cùng khu biệt thự, nhà ở liền kề do tập đoàn Vingroup đầu tư đã trở thành điểm nhấn cho thành phố. Ảnh: Huy Tùng
Đầu năm nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020, phấn đấu thu hút khoảng 180 dự án với tổng nguồn vốn khoảng 3 tỷ USD. Ông Nguyễn Phùng Quang – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và Xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh chia sẻ: “Bằng tư duy nhạy bén, các quyết sách táo bạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, trong những năm qua, Hà Tĩnh như thỏi nam châm thu hút một lượng vốn lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Năm 2020, tuy còn có những khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song trong quý I, Hà Tĩnh vẫn “hút” 3 dự án với tổng vốn đăng ký 536 tỷ đồng”.
Sau bao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Hà Tĩnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN, tập đoàn kinh tế lớn. Vùng đất “nắng lắm, mưa nhiều” này đang là nơi hội tụ của gần 1.400 DN, tập đoàn kinh tế với 1.378 dự án, tổng số vốn đăng ký 430.518 tỷ đồng. Trong đó, có 1.305 dự án trong nước, tổng nguồn vốn 113.049 tỷ đồng; 73 dự án FDI, vốn đăng ký 13,7 tỷ USD (tương đương 317.469 tỷ đồng). Với những con số “biết nói” này, Hà Tĩnh hiện đã lọt top 9 địa phương thành công nhất trong 63 tỉnh, thành về công tác mời gọi đầu tư.
Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư hệ thống giáo dục tại Hà Tĩnh. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Ban Quản lý dự án Tập đoàn Nguyễn Hoàng (đầu tư dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế Hà Tĩnh) nhìn nhận: “Điểm khác biệt của Hà Tĩnh là đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho DN bằng việc xóa bỏ các rào cản không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Đây là điểm cộng, đồng thời cũng lý giải nguyên nhân vì sao từ một tỉnh nghèo, xa cách các trung tâm lớn của cả nước, song Hà Tĩnh lại trở thành điểm đến hấp dẫn, nếu không muốn nói là điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư”.
Hà Tĩnh hôm nay đang có sự hiện diện của các “ông lớn” trong nước và quốc tế như các tập đoàn: Formosa, Vingroup, Nguyễn Hoàng… Các tập đoàn kinh tế lớn này đã mở ra một khu vực kinh tế năng động, tạo nên diện mạo mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Đó là làm gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
“Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong tỉnh những năm gần đây có nhiều đóng góp từ việc mở cửa thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI. Bởi, dòng vốn FDI chảy vào Hà Tĩnh đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh, buộc DN trong tỉnh phải tăng cường đổi mới các hình thức kinh doanh cũng như chiến lược phát triển nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, thậm chí là bị đào thải. Nhiều DN trong tỉnh như: Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vận tải Viết Hải… lớn mạnh như hôm nay, một phần cũng nhờ áp lực cạnh tranh với các nhà đầu tư mới đến. Từ thực tiễn trên có thể thấy, cạnh tranh từ các nhà đầu tư chính là động lực quan trọng cho sự phát triển các khu vực kinh tế trong tỉnh”, ông Dương Tất Thắng – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh – người từng có nhiều năm lăn lộn với công tác mời gọi đầu tư của tỉnh nêu quan điểm.
Sự hiện diện của các “ông lớn” còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, một làn sóng đầu tư mới rất rõ nét cho Hà Tĩnh suốt nhiều năm qua. Đó là hiện nay, nhiều nhà đầu tư “đẳng cấp” khác cũng đang tích cực xúc tiến, chuẩn bị đầu tư vào Hà Tĩnh như: Các tập đoàn: Mitsubishi Nhật Bản đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; Samsung Hàn Quốc đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3; Singapore đầu tư dự án cảng nước sâu Vũng Áng; T&T tìm hiểu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ (TP Hà Tĩnh); FLC tìm hiểu đầu tư dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Thiên Cầm, dự án Khu đô thị thông minh FLC thành phố Hà Tĩnh và các công ty: ME-LE Biogas GMBH CHLB Đức tìm hiểu đầu tư dự án nhà máy điện khí sinh học; Phát triển công nghiệp Gyelim, phát triển công nghiệp Dea Ryuck, (Hàn Quốc) tìm hiểu đầu tư nhà máy điện sinh khối…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh Trần Tú Anh, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong và ngoài nước (khu vực kinh tế tư nhân) đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, rõ nét trong quá trình phát triển KT-XH ở nước ta nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Đây là khu vực phát triển năng động nhất, tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Điều này được thể hiện qua việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, tạo việc làm và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, chuyển giao công nghệ… Đặc biệt là nâng cao thế và lực của Hà Tĩnh trong nền kinh tế hội nhập. Bên cạnh đó, sự phát triển của khu vực kinh tế này cũng đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với Hà Tĩnh.
Từ những dòng vốn đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, đồng thời khai thác được các tiềm năng, thế mạnh đã góp phần đưa Hà Tĩnh từ một địa phương chậm phát triển trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế đa dạng, năng động. Ảnh: Huy Tùng
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Từ những dòng vốn đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, đồng thời khai thác được các tiềm năng, thế mạnh đã góp phần đưa Hà Tĩnh từ một địa phương chậm phát triển trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế đa dạng, năng động. Đây là cơ sở, nền tảng vững bền để kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục tiến nhanh về phía trước, lập nên những kỳ tích mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.